Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Bạn hiểu gì về Mobbing?

Nạn nhân của tình trạng này có thể bắt gặp ở khắp mọi công sở trên thế giới. Ví dụ tại Ba Lan có đến 25% người lao động là nạn nhân của nó, còn ở Đức - con số là này chiếm tới gần 50%. Tại Anh, cuộc khảo sát được tiến hành lần đầu tiên cách đây 10 năm đã đưa ra kết quả rất đáng quan tâm với gần 3 triệu nhân viên, nghĩa là cứ 8 nhân viên lại có 1 người, phải chịu sức ép của mobbing. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vựcnhân sự, hiện tượng này đang làm nước Anh phải tiêu tốn mỗi năm 30 triệu EUR.

Mobbing là gì?

Mobbing là danh từ chung để chỉ những áp lực tâm lý từ đa số nhân viên dành cho một cá nhân nào đó trong doanh nghiệp. Áp lực này có thể biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau như tẩy chay, không hợp tác, nói xấu, làm tổn hại thanh danh, gạt bỏ ý kiến hay đề nghị do cá nhân đó đưa ra, cung cấp thông tin sai lệch, cố tình tạo ra những tình huống căng thẳng, đe dọa, hạ nhục…Danh sách này còn có thể kéo dài và có lẽ trong đó sẽ bao gồm cả các phương thức tác động lên con người một cách không chính đáng và hợp pháp.

Có một thực tế đáng buồn là sức ép tâm lý thiếu lành mạnh đó lại thường xuyên được áp dụng ở nhiều công ty khác nhau. Người lao động không còn lạ gì với chuyện các nhân viên cũ, nhiều kinh nghiệm hơn từ chối giải thích nhiệm vụ hay công việc cho nhân viên mới với lý do quá bận rộn. Sau đó, nếu nhân viên mới không làm tròn nhiệm vụ được giao phó, anh ta sẽ bị chế nhạo, hoặc bị kiểm điểm nghiêm khắc, chưa kể anh ta sẽ được nghe những lời nói bóng gió xa xôi: “Nếu chỉ làm được thế này thì đừng mong có thể tồn tại lâu ở công ty”. Mục đích sau cùng của tất cả những điều đó thường là sự ra đi của nhân viên, thậm chí nếu tình trạng này quá nặng nề thì không chỉ có một nhân viên mới phải xin nghỉ việc.

Những kiểu áp lực nơi công sở

Đâu là nguyên nhân khiến nhân viên đối xử với chính đồng nghiệp của mình theo những cách không thân thiện như vậy?

“Áp lực theo chiều ngang” – tạm gọi như thế đối với những mâu thuẫn xảy ra giữa các nhân viên có cùng thứ bậc – thường có chủ thể là cả một nhóm, còn đối tượng sẽ là một người trong tập thể đó. Thông thường, người được chọn là những nhân viên mới. Trong những tổ chức có cơ cấu bảo thủ và khép kín, nhân viên cũ hay có cái nhìn dè chừng với những người mới đến, bởi họ coi anh ta là nguồn gốc đe dọa tính ổn định nơi đây. Các nhân viên cũ có thể nghi ngờ rằng khi nhân viên mới hăng hái, nhiệt tình lao vào công việc, nghĩa là anh ta muốn chứng minh mình đứng cao hơn đồng nghiệp. Ở một vài công ty khác, nhân viên lại lo sợ (thường là vô cớ) rằng nếu nhìn thấy sự siêng năng của nhân viên mới này, lãnh đạo sẽ đặt yêu cầu cao hơn đối với cả nhóm. Và trong trường hợp cả nhóm cùng chung suy nghĩ đó, thì quả là nhân viên mới kia sẽ “không còn đất sống”.

“Áp lực theo chiều dọc” là tình trạng mâu thuẫn liên quan trực tiếp đến các nhân viên theo quan hệ cấp trên – cấp dưới, khi một bên là người ra mệnh lệnh và bên kia là người thừa hành. Các tình huống ở đây có thể rất khác nhau: lãnh đạo đánh giá không công bằng và khách quan về năng lực của nhân viên, cấp trên coi tài năng của cấp dưới là mối đe dọa cho “chiếc ghế” của mình, hay ngược lại – chính cấp trên lại trở thành nạn nhân của sức ép từ người phó háo danh và đầy tham vọng.

Ở đây, mọi thủ đoạn đều được áp dụng và không có một “luật chơi” nhất định nào: mưu mô, các trò xảo trá, đưa thông tin bôi nhọ lên lãnh đạo, gây sức ép…Nhân viên có thể âm thầm tuyên chiến chống lại cấp trên, nếu người lãnh đạo tỏ ra cứng rắn và đòi hỏi ở nhân viên nhiều hơn so với nhà lãnh đạo ôn hòa trước đó. Áp lực tâm lý có thể kín đáo hay công khai, mang tính chất đơn lẻ, cá nhân hay đội nhóm…

Ai là người có lỗi?

Đôi khi chính nhân viên, bằng những hành động, thái độ và lời nói không thích hợp, đã làm cho cả tập thể chống lại mình. Trong trường hợp này, bộ phận nhân sự hay một cá nhân có ảnh hưởng đặc biệt nào đó sẽ chịu trách nhiệm giải quyết xung đột. Nếu lãnh đạo không thể lường trước và ngăn chặn các xích mích nhỏ, hoặc cố ý lờ đi để chờ chúng tự biến mất, thì mọi việc có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành những dạng xung đột như đã mô tả ở trên.

Dù được biểu lộ dưới dạng nào thì tất cả các tình huống mâu thuẫn đều có những tiền đề chung nhất. Thông thường, đó là mối lo sợ đặc trưng ở các công ty có áp lực công việc quá lớn, những bộ phận làm công tác thiết kế hay sáng tạo, hoặc ở những tổ chức có quy trình kinh doanh không hợp lý. Ví dụ, nếu tập thể luôn phải làm việc trong điều kiện vội vàng, gấp gáp của các kế hoạch và dự án với thời hạn hoàn thành không thực tế, thì trong nhân viên sẽ dần dần hình thành trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, bực tức… và sự dồn nén này sớm hay muộn cũng sẽ phải tìm chỗ để “xả van”. Lúc đó, sẽ không loại trừ khả năng nạn nhân chính là một trong số nhân viên hoặc là người đứng đầu bộ phận. Sự thiếu hụt công việc cũng có thể là điều đáng lo ngại: nhân viên có quá nhiều thời gian rảnh rỗi khiến họ không còn biết làm gì ngoài việc túm năm, tụm ba nói chuyện để giết thì giờ. Một vài cá nhân làm việc trong một tập thể như vậy có thể sẽ bị đám đông kia thù ghét. Cũng có khi trường hợp ngược lại xảy ra – những người chăm chỉ sẽ ác cảm với cá nhân nào đang ngồi chơi xơi nước.

Những hậu quả không mong đợi

Trước tiên, chúng ảnh hưởng đến chính các nạn nhân và làm anh ta bắt đầu chán ghét công việc mà trước đây anh ta vẫn say mê. Nhưng trong đa số trường hợp thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều: áp lực tâm lý có thể dẫn đến một số bệnh về thần kinh, tim mạch… Nhân viên có thể gây thiệt hại vật chất cho công ty, cũng có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng công ty nếu anh ta kiện ra tòa những người đã trực tiếp gây áp lực.

Tất cả những điều này có thể tránh khỏi, nếu ngay từ ban đầu lãnh đạo lưu ý đến việc xây dựng một môi trường văn hóa của công ty, nơi các nhân viên không được phân chia thành đẳng cấp, cũng như không chấp nhận những lời nói xấu. Ở những công ty có phong cách làm việc tập thể với mối quan hệ đồng nghiệp cởi mở và thân thiện, các nhân viên mới được quan tâm đúng mức, xác suất phát sinh tình trạng này đã giảm xuống đáng kể.

Để công ty không bị hủy hoại

Bạn sẽ làm gì, nếu khám phá ra rằng khái niệm mobbing đang phổ biến ở chính công ty mình? Trong một vài trường hợp, khi tình trạng khó hợp tác chỉ vừa mơ hồ xuất hiện đối với các nhân viên mới vì nguyên nhân họ chưa hiểu biết về các quy định và điều lệ nội bộ tại công ty, thì lãnh đạo chỉ cần trò chuyện và trao đổi để tháo gỡ các khúc mắc. Một khi bạn phát hiện và giải quyết kịp thời, vấn đề sẽ được loại bỏ một cách nhanh chóng và đơn giản. Còn đối với những tình huống phức tạp thì bạn phải chọn cách làm khác. Nếu bạn nhận thấy nhân viên không đem lại lợi nhuận đáng kể cho công ty, trong khi sự thù địch của đồng nghiệp dành cho anh ta lại có cơ sở xác đáng, thì bạn nên đề nghị anh ta tự ra đi. Cũng có khi nhân viên mới thành thực muốn thay đổi tình hình, đấu tranh với tính bảo thủ bằng các phương pháp mới, muốn bộ phận của mình làm việc hiệu quả hơn, trong khi cả tập thể không muốn điều đó. Họ chống đối, hay ngược lại, đưa anh ta lên vị trí cao nhất của bộ phận để dồn cho anh ta toàn bộ công việc và chịu trách nhiệm trực tiếp trước lãnh đạo. Khi đó, nếu bạn không thể thuyết phục cả nhóm thay đổi thái độ, thì bạn hãy buộc mọi người phải chấp hành mệnh lệnh. Với thời gian, thành phần của tập thể sẽ có sự thay đổi và điều này luôn có lợi cho công ty.

Điều quan trọng nhất ở đây là bất luận vấn đề nghiêm trọng ra sao, bạn cũng không được phép chờ đợi để nó tự biến mất. Nếu bạn chần chừ hay trì hoãn, vấn đề sẽ không biến mất, mà chính công ty của bạn sẽ bị hủy hoại.

(Quantri.Vn)

Để sa thải nhân viên không vô lý

(HR) Sếp bạn có tạo ra những “điều kiện mới” để gây khó khăn cho bạn khi làm việc không? Bạn có tin rằng bất kỳ một nhân viên nào khác trong vị trí của bạn đều sẽ đồng ý tuân theo?

Có những bất ngờ trong cuộc sống và có lẽ điều bất ngờ kèm lẫn bức xúc nếu như bạn rơi vào trường hợp làm việc chăm chỉ nhưng bị sa thải một cách vô lý.

Bạn đã kiểm tra lại việc mình đã làm, đã tự cố gắng sửa chữa khuyến điểm… nhưng thấy nghi ngờ về những lý do “ẩn” sau lý do chính khiến bạn mất việc. Thực sự nó đúng hay vô lý, hợp pháp hay không hợp pháp? Thử kiểm tra những lý do dưới đây nhé.

1. Vi phạm hợp đồng

Nếu bạn làm việc theo hợp đồng rõ ràng và bạn đã hoàn thành được một nửa thoả thuận rồi thì điều này có thể được coi là bất công nếu như ông chủ sa thải bạn. Trong một số trường hợp, thậm chí có những điều khoản trong hợp đồng mang đầy “ẩn ý”, chỉ cần bạn không kiểm soát kỹ trước khi ký hợp đồng thì đó là sơ hở để sếp sa thải bạn mà bạn sẽ không ngờ tới. Vì vậy trước khi kí hợp đồng cần “minh mẫn” đọc kỹ các điều khoản, yêu cầu bản mô tả chi tiết nhiệm vụ và trách nhiệm của bạn trong công việc để có cơ sở cũng như pháp lý đòi hỏi quyền lợi khi sếp muốn sa thải bạn.

2. Lý do sa thải “ngầm”

Sếp bạn có tạo ra những “điều kiện mới” để gây khó khăn cho bạn khi làm việc không? Bạn có tin rằng bất kỳ một nhân viên nào khác trong vị trí của bạn đều sẽ đồng ý tuân theo? Điều này thường khó được chứng minh, nhưng một vài ví dụ dưới đây chứng tỏ sếp đang cố tình gây khó dễ để sa thải bạn:

- Bạn bị giáng chức hoặc bị thuyên chuyển mà không có lý do nào hợp lệ

- Bị “đối xử” bất công hoặc không đạt yêu cầu đánh giá công việc

- Chủ trương tiềnlươngvà những lợi ích bị cắt giảm

- Được khuyến khích từ chức.

- Những trách nhiệm công việc của bạn bị thay đổi

3. Nói xấu bạn

Ông chủ của bạn có cố ý nói dối một vài điều về bạn để chứng minh bạn nên bị sa thải không? Ông ấy nói với người khác rằng bạn rất lười và không thực hiện nhiệm vụ trong khi chẳng có bằng chứng nào chỉ ra điều đó? Ông ấy lan truyền tin đồn không tốt về cuộc sống cá nhân của bạn? Hay công khai cáo buộc bạn làm điều gì đó bất hợp pháp như trộm cắp?

Nếu bạn đã phải trải nghiệm những điều trên, bạn cần “cứng rắn” để có công việc trở lại. Đây là một loại hành vi nói xấu người khác và nó là bất hợp pháp để sa thải bạn.

4. Phân biệt đối xử

Đây là điều bất hợp pháp nếu sếp của bạn sa thải chỉ vì lý do tuổi tác, chủng tộc, giới tính, khuyết tật hay tôn giáo. Nhưng nếu bạn bị sa thải vì những lý do không được sự bảo hộ của luật pháp như mái tóc, vệ sinh cá nhân, trang phục quần áo hoặc nơi cư trú thì điều này không được coi là phân biệt đối xử.

5. Quấy rối tình dục

Đây là điều bất hợp pháp nếu như bạn bị sa thải chỉ vì lý do bạn không đáp ứng tình dục với sếp của bạn. Trong trường hợp này cần kiên quyết để giữ lấy công việc của bạn. Vì bạn chẳng có gì sai trái để bị sa thải cả. Hoặc có sự đền bù thoả đáng vì lý do vô lý như vậy.

Hình thức “cổ điển” của việc quấy rối tình dục mà bạn thường thấy trong phim ảnh hay tivi đó là sếp thường đe doạ sẽ đuổi việc bạn nếu không “hợp tác” với ông ấy. Hãy có thái độ dứt khoát và cử chỉ đúng mực, cũng như hạn chế những hành động gây hiểu lầm cho đối phương rằng bạn cũng “ngấm ngầm” đồng ý.

Cũng phải thừa nhận rằng không chỉ phụ nữ thấy mình bị rơi vào tình huống này mà ngay cả đàn ông cũng có thể gặp ở nơi làm việc. Hãy cẩn thận.

Bạn cần làm gì?

Nếu bạn cảm thấy mình bị sa thải một cách vô lý dựa trên pháp luật, thì điều tốt nhất là nhờ luật sư. Nhưng trước tiên bạn cần tìm ra những bằng chứng chứng minh rằng sếp bạn đã vi phạm luật lao động để làm căn cứ theo đuổi vấn đề này.

Trong một số trường hợp, nếu bạn có nhiều chứng cứ thuận lợi thì việc bạn “định” nhờ pháp luật có thể giúp bạn có được công việc trở lại hoặc được nhận bồi thường tài chính. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận xem xét kỹ lưỡng trước khi khiếu kiện “sếp” trước pháp luật nhé.

Bạn có thể lựa chọn cách giải quyết vấn đề thông qua bộ phận quản lý nguồn nhân lực của công ty trước. Nếu không thể mới đặt vấn đề lên cấp trên.

Nếu bạn có một đồng nghiệp tốt hay người bạn ở trong ban quản lýnhân sựcủa công ty thì hãy hỏi họ để có được lời khuyên bạn nên làm thế nào cho hợp lý nhất. Hoặc nếu có người nào cũng đã từng gặp rắc rối như bạn nhưng vẫn đứng vững ở vị trí của mình hãy nhờ họ giúp đỡ.

Các biện pháp “phòng ngừa”

Có hay không việc bạn bị sa thải nhưng không phải là vô ích nếu bạn biết cách “phòng hơn chữa” để không có lý do sa thải vô lý nào đến với bạn trong tương lai

- Hãy chắc chắn rằng bạn luôn giữ tư liệu, giấy tờ ghi chi tiết nhiệm vụ và trách nhiệm của bạn khi bạn đang trong quá trình làm việc và cả việc được thăng chức.

- Luôn giữ biên bản hợp đồng và thoả thuận làm việc của bạn với công ty

- Nếu sếp của bạn dùng thời gian để đánh giá hiệu suất làm việc thì khi hoàn thành nhiệm vụ bạn hãy ghi nó lại nhé.

- Lưu bất kì email nào mà đồng nghiệp gửi cho bạn với lời cám ơn, ca ngợi hiệu suất hoặc kết quả công việc của bạn.

- Không để bị cuốn vào những câu chuyện “tám tầm phào” ở văn phòng, những ý kiến vô tình có thể là điều chống lại bạn đấy.

- Lưu lại những email hay tin nhắn quan trọng.

- Làm việc với đồng nghiệp cần rõ ràng, chặt chẽ, tránh gây mâu thuẫn hiểu lầm để đảm bảo rằng họ không kết “bè phái” chống lại bạn.

- Hãy báo cáo nếu bạn thấy bị phân biệt đối xử hoặc bị quấy rối tình dục ngay khi nó vừa xảy ra.

- Hãy chắc chắn rằng bạn rõ ràng về chính sách của công ty liên quan đển việc sa thải, nếu bạn có câu hỏi nào về vấn đề này hãy hỏi người trong ban quản lý nguồn nhân lực của công ty nhé.

Qua những điều trên bạn thấy việc mình bị sa thải là hợp pháp hay vi phạm vào quyền lao động của nhân viên? Hãy suy nghĩ kỹ để luôn đảm bảo quyền lợi lao động của mình nhé.

Theo jobs.Vietnamnet.Vn- Lưu trữ tại Quantri.Vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét